Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Lễ Húy nhật cố Hòa thượng Thích Đức Trì (1928-2001)

Thứ ba - 20/11/2018 10:06
Sáng 20/11/2018 (14.10 Mậu Tuất) tại chùa Ba la mật; chư Tăng bổn tự đã trang nghiêm tổ chức lễ Húy nhật cố Hòa thượng Thích Đức Trì (1928 - 2001).
Dâng hương tưởng niệm và cử hành buổi lễ có chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư Tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; chư Tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni các tổ đình, tự viện, Niệm Phật Đường cùng đông đảo bà con Đạo hữu Phật tử các giới.
 

 Hòa thượng Thích Đức Trì húy Châu Văn Trì, Pháp danh Nguyên Định, Pháp tự Đức Trì, thuộc dòng Pháp Lâm tế đời thứ 44; sinh ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Thìn (01.02.1928) tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thân phụ là cụ ông Châu Văn Cương Pháp danh Tâm Trai, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Cháu Pháp danh Tâm Ý. Gia đình Hòa thượng có 8 anh em, Hòa thượng là con thứ 4. Xuất thân trong một gia đình nhiều đời tin Phật, lại ở gần chùa nên chí xuất gia rất lớn.

Năm 1943, ngài đầu sư học đạo với Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ tại Tổ đình Báo Quốc, Huế.
Năm 1947, được thọ Sa-di giới, pháp tự Thích Đức Trì. Năm ngài 23 tuổi (1951), được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại “Hộ Quốc Giới đàn Báo Quốc”, Huế.

Năm 1953, vâng lệnh Bổn sư nhận nhiệm vụ Trú trì Tổ đình Ba-la-mật, Huế. Nơi đây do Đại sư Viên Giác khai sơn, nơi đầu tiên cố Hòa thượng Thích Viên Thành đầu sư học đạo –  một Đại sư nổi tiếng trong làng thơ văn Huế, đã để lại “Lược Ước Tùng Sao Thi tập” rất có giá trị và sau này là Tổ khai sơn chùa Tra Am Huế.

Vốn ảnh hưởng đạo phong của chư Tổ, đặc biệt trực tiếp là cố Hòa thượng Thích Trí Thủ nên Hòa thượng đã sống một cuộc đời bình dị nhưng khá nghiêm túc, một mặt lo việc tu trì giới luật, mặt khác ngài đem hết khả năng phụng sự Chánh pháp.

Pháp nạn 1963, Hòa thượng là thành viên tích cực vận động phong trào đấu tranh ở nông thôn, nhất là tại huyện Phú Vang nơi địa phương của Hòa thượng. Sau pháp nạn, năm 1965, Hòa thượng được cử nhiệm giữ chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Nhờ thế mà các đơn vị Giáo hội Phật giáo địa phương cùng gia đình Phật tử tại đây không ngừng đi lên, góp phần không nhỏ cho sự lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Năm 1982, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập, Hòa thượng được Đại hội tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Phú Vang. Năm 1992,  Đại hội Phật giáo tồn quốc kỳ III tại Thủ đô Hà Nội, Hòa thượng được đắc cử vào Hội Đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời được Đại hội tấn phong lên ngôi vị Hòa thượng. Năm 1995, Hòa thượng được cung cử giữ chức vụ Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo Tỉnh. Năm 1997, Đại hội Phật giáo Tỉnh được tổ chức, Hòa thượng lại được Đại hội tín nhiệm lưu nhiệm Hòa thượng vẫn trong chức vụ Phó Trưởng ban của Phật giáo Tỉnh. Hòa thượng cũng đã được Giáo hội mời làm Tôn chứng cho nhiều Đại giới đàn ở trong Tỉnh cũng như một số Tỉnh Thành khác.

Đối với ngôi Tổ đình Ba-la-mật, Hòa thượng đã nỗ lực hết mình trong việc duy trì và phụng sự: Tháng 4 năm 1973, Hòa thượng đã sửa lại Tăng xá, xây Điện Quán Thế Âm, đúc Đại Hồng chung năm 450 kg, cao 1,55m. Nổi bật nhất vào những năm cuối đời, Hòa thượng đã cùng môn phái, thập phương thiện tín xây dựng lại toàn bộ ngôi Phạm Vũ, dựng tượng đài Tổ khai sơn, trang nghiêm kỷ niệm 100 năm ngày Giỗ Tổ để báo đáp thâm ân.

Xuất phát từ tinh thần tu học và phục vụ Chánh pháp suốt cả cuộc đời Hòa thượng tuy không như các bậc Đại sư tiền bối làm Thanh Trụ cho Phật pháp hay như một ngôi sáng trên nền trời xanh, nhưng ít ra cũng làm được ngọn đèn cho lữ khách trong cảnh đêm trường, Giáo hội Trung ương đã cảm thông sâu sắc, năm 1998 đã khen ngợi và tặng bằng “Tuyên Dương Công Đức”.

Những ngày cuối cùng.- Như linh cảm được cơn vô thường đến, Hòa thượng đã gặp gỡ các huynh đệ đồng Sư, trao đổi tâm sự xin được gửi nắm xương tàn nơi chốn Tổ.

Ngày Rằm tháng 10 năm Tân Tỵ (2001) lúc 18g35’, sau cơn bệnh Hòa thượng đã an nhiên viên tịch. Hưởng thọ 73 tuổi.
Một số hình ảnh của buổi lễ:
 
Bàn thờ Tổ

Dâng lời tác bạch cung thỉnh chư Tôn đức cử hành buổi lễ 
 
Cung thỉnh chư Tôn thiền đức
 
 
Chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh niệm hương cầu nguyện, cử hành lễ cúng Ngọ
 
TT. Thích Thường Chiếu cùng chư Tăng chùa Ba la mật thành tâm tưởng niệm
 
 
 
Đông đảo Đạo hữu Phật tử các giới tham dự lễ

Nguồn tin: Chùa Ba La Mật

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu về Phật giáo Phú Vang

Phú Vang là một huyện đồng bằng ven biển, đầm phá Tam Giang chạy qua giữa huyện phân chia thành 2 vùng nông nghiệp và ngư nghiệp bao gồm 13 xã và thị trấn Phú Đa. Phía Tây giáp Thành phố Huế và Thị xã Hương Thủy, phía Nam giáp thị xã Hương Thuỷ và huyện Phú Lộc, phía Bắc giáp biển Đông, phía Đông...


Facebook

Lượt truy cập
  • Đang truy cập15
  • Tổng lượt truy cập18,377,244
Back To Top
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây